Nhiều cơ hội cho ngành nhựa, cao su và cơ khí trong thời gian tới

  21/09/2022

Đó là nhận định của ông Trần Ngọc Liêm – Giám đốc VCCI HCM tại Hội thảo “Các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp ngành cơ khí, nhựa và cao su”.

Các doanh nghiệp tham gia Hội thảo “Các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp ngành cơ khí, nhựa và cao su”, doa VCCI HCM phối hợp với Công ty EPICOR tổ chức.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Ngọc Liêm – Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại TP.HCM (VCCI HCM) cho biết, Việt Nam đã đàm phán và ký kết thành công nhiều FTA với các đối tác thương mại song phương và đa phương đã tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động trong nước.

Dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, ông Liêm cho biết, trong năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 669 tỷ USD, tăng 22,7% so với năm 2020, trong đó xuất khẩu tăng 18,9%, nhập khẩu tăng 26,7%. Trong 8 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 499,7 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 18,2%, nhập khẩu tăng 13,7%.

“Đối với các sản phẩm nhựa, cao su và cơ khí của Việt Nam đang có mặt tại gần 160 thị trường trên thế giới. Theo Bộ Công Thương, mặc dù bị tác động tiêu cực của Covid-19, nhưng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam vẫn đạt 4,93 tỷ USD, tăng 34,9% so với năm 2020. Trong đó, EU là 1 trong những thị trường có lượng đơn hàng nhập khẩu tăng liên tục từ nhà cung ứng nhựa Việt Nam. Năm 2021, xuất khẩu nhựa sang EU đạt 557,68 triệu USD, tăng 21,73%”, Giám đốc VCCI HCM Trần Ngọc Liêm thông tin.

Đối với ngành cơ khí, Giám đốc VCCI Trần Ngọc Liêm cho rằng, cơ hội cho ngành cơ khí trong thời gian tới là rất nhiều. Trước hết, thị trường cho máy móc thiết bị của Việt Nam rất lớn, đến giai đoạn năm 2030 khoảng hơn 300 tỷ USD. Trong đó, giá trị máy móc thiết bị cho các công trình công nghiệp như: nhiệt điện, thủy điện, hóa chất, khai thác, chế biến khoáng sản khoảng 120 tỷ USD; thiết bị và vật tư cho xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc khoảng 20 tỷ USD; hệ thống tàu điện ngầm khoảng 10 tỷ USD; công nghiệp ô tô khoảng 130 tỷ USD…

ông Trần Ngọc Liêm – Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại TP.HCM (VCCI HCM) phát biểu tại Hội thảo.

Mặc dù đánh giá cơ hội và tiềm năng cho ngành nhựa, cao su và cơ khí là rất lơn, song, Giám đốc VCCI HCM cũng cho rằng, với xu hướng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới đặt ra yêu cầu đối với ngành nhựa, cao su, cơ khí phải đáp ứng chuẩn mực quốc tế mà Việt Nam cam kết thực hiện.

“Xu hướng phát triển có nhiều thay đổi và tính cạnh tranh ngày càng cao trong việc sản xuất các sản phẩm nói chung và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Trong đó, việc nâng cao khả năng đáp ứng và cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghệ cao là mục tiêu cần hướng đến bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm nhựa cao su truyền thống”, Giám đốc VCCI Trần Ngọc Liêm đánh giá.

Đồng thời, ông cũng cho rằng, hạn chế lớn nhất của các ngành trên là nhu cầu nội địa ít nên chi phí sản xuất sản phẩm cao, dẫn đến giá cả kém cạnh tranh. Ngoài ra, các mẫu mã, tiêu chuẩn sản phẩm không đồng nhất; những ngành công nghiệp cơ bản về nguyên liệu, hóa chất, cơ khí còn thiếu và yếu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhựa – cao su và cơ khí trong nước phần lớn chưa đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại đủ sức làm các đơn hàng số lượng lớn và chất lượng cao nên chất lượng sản phẩm còn bị hạn chế và giá thành sản phẩm thường khá cao.

Các đại biểu và doanh nghiệp trao đổi tại Hội thảo.

Tương tự, đại diện Sở Công thương TP.HCM cũng cho rằng, ngành cơ khí đã có những đóng góp quan trọng cho công nghiệp của Thành phố. Thành phố đã phát triển một số sản phẩm cơ khí tiêu biểu, có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng trong và ngoài nước, bao gồm: Cơ khí khuôn mẫu; Cơ khí công nghệ cao; Máy móc thiết bị và phụ tùng,…

Trong khi đó, ngành nhựa và cao su thì sản xuất ra các sản phẩm thiết yếu trong đời sống, trong ngành nghề chuyên biệt, phụ trợ cho các ngành công nghiệp khác. Sản phẩm của doanh nghiệp Thành phố có tính cạnh tranh cao trên thị trường, chiếm 80% sản lượng cả nước

Tuy nhiên, theo đại diện ngành Công thương TP.HCM, việc sản xuất của phần lớn các doanh nghiệp ngành nhựa và cao su còn phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu; Hạn chế về thiết bị, công nghệ sản xuất; Việc tham gia chuỗi cung ứng cho các ngành sản xuất khác còn hạn chế.

Từ đó, đại diện ngành Công thương TP.HCM đề xuất, cụ thể: Thứ nhất, các Sở Ban Ngành cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của doanh nghiệp và đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Thứ hai, cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu chung là xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện để đảm bảo hiệu quả trong thực thi.

Thứ ba, tăng cường tạo điều kiện tiếp xúc giữa cơ quan quản lý nhà nước và Hội ngành nghề, doanh nghiệp, doanh nhân để có thể nắm bắt tình hình thực tế, những khó khăn vướng mắc cũng như kiến nghị của doanh nghiệp để có hướng tháo gỡ, đề xuất hỗ trợ, giải quyết kịp thời.

Thứ tư, tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá để doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội giao lưu hợp tác trong sản xuất kinh doanh, góp phần quảng bá hình ảnh doanh nghiệp thành phố, doanh nhân Thành phố.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

×

FanPage

Plastics & Rubber Hanoi