Xuất khẩu cao su gặp thách thức và giải pháp tăng năng lực cạnh tranh lâu dài
Trái với dự báo từ năm 2022, giá xuất khẩu cao su đến nay liên tục giảm, chịu nhiều sức ép. Các doanh nghiệp cao su Việt đã có quý đầu tiên trong năm 2023 không gặp nhiều thuận lợi. Tuy vậy, thị trường cao su vẫn được đánh giá còn nhiều dư địa để xuất khẩu và có thể tăng năng lực cạnh tranh dài hạn.
Khối lượng xuất khẩu cao su lớn, trong khi giá xuất khẩu giảm
Theo báo cáo, năm 2022 ngành cao su Việt Nam duy trì vị trí thứ năm thế giới về diện tích, thứ ba thế giới về sản lượng cao su thiên nhiên và dẫn đầu về năng suất trong khu vực châu Á.
Thống kê của Hải quan Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành cao su trong năm vừa qua ước đạt 3,31 tỷ USD, sản lượng 2,14 triệu tấn, tăng 2,16% so với năm 2021; trong đó, sản phẩm từ cao su ước đạt 1,08 tỷ USD. Trong ba tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su đạt 381,78 nghìn tấn, trị giá 531,3 triệu USD.
Trong năm 2022, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu cao su Việt Nam, chiếm 79,8% trong tổng giá trị xuất khẩu, và tiếp tục đứng đầu bảng trong quý I năm 2023, với con số thực tế đạt hơn 292.600 tấn, tăng hơn 4% so với cùng kỳ.
Thị trường xuất khẩu cao su lớn thứ hai là Ấn Độ, với lượng tiêu thụ cao su Việt Nam năm 2022 đạt 123,2 nghìn tấn, trị giá 218 triệu USD; tăng 8,8% về lượng và tăng 4,5% về trị giá so với năm 2021, chiếm 6,6% trong tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước. Ngoài ra, các thị trường đứng ở vị trí thứ 3 đến thứ 5 là: Campuchia chiếm 2,9%, Hàn Quốc chiếm 2,5%, sang Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 1,9%. Tại một số thị trường như Hàn Quốc, Hà Lan, Việt Nam có sự cạnh tranh cao với Thái Lan, Indonesia, Bờ biển Ngà.
Dù khối lượng cao su xuất khẩu năm vừa qua cao gấp 2,6 lần, nhưng giá trị kim ngạch chỉ cao hơn không đáng kể. Giá cao su xuất khẩu bình quân năm 2022 chỉ đạt 1.547 USD/tấn, giảm 7,8% so với năm 2021. Tới thời điểm hiện tại, giá cao su đã không đi theo những dự đoán tích cực từ cuối năm 2022 khi liên tục giảm. Do biến động về kinh tế, giá trị về xuất khẩu giảm 25,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, lãnh đạo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) vẫn nhận định về cơ hội lớn đối với ngành cao su. Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) đã dự báo về cán cân cung – cầu nghiêng về thiếu hụt nguồn cung trong năm 2023, cụ thể sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu đạt 14,69 triệu tấn, trong khi tiêu thụ dự kiến đạt 14,73 triệu tấn. Sự chênh lệch cung cầu tạo ra cơ hội lớn cho Việt Nam gia tăng sản lượng cao su thiên nhiên, tăng kim ngạch xuất khẩu và tạo thêm nhiều giá trị cộng đồng như gia tăng việc làm cho vùng nông thôn và các ngành công nghiệp liên quan.
Giải pháp tăng năng lực ngành cao su Việt Nam – Phát triển bền vững và xây dựng thương hiệu
Sở hữu lượng cung cao su thiên nhiên lớn thứ 3 trên thế giới, tuy nhiên, gần như toàn bộ nguồn cung mủ cao su không có chứng chỉ bền vững, do đó giá bán cao su Việt Nam rất thấp và có thể không bán được tại nhiều thị trường. Trong khi, với chứng chỉ bền vững, giá trị cao su Việt Nam xuất khẩu có thể tăng lên lên từ 10 – 15 lần.
Vì thế để đáp ứng các nhu cầu của thị trường quốc tế và nâng cao giá trị của ngành cao su, việc đẩy mạnh phát triển theo hướng bền vững và tập trung xây dựng thương hiệu ngành là giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng hiệu quả kinh tế. Việc đạt các chứng chỉ quản lý rừng bền vững và chuỗi cung ứng cho cây cao su là ưu tiên tại nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh này. Cũng vì thế, chính phủ đã ra chiến lược không mở rộng diện tích cao su, thay vào đó tăng năng suất, áp dụng công nghệ và xây dựng thương hiệu là các yếu tố then chốt.
Ông Võ Hoàng An – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết Hiệp hội cao su Việt Nam sẽ tiếp tục giám sát và cấp nhãn hiệu hàng năm cho các hội viên, khuyến khích hội viên tại Lào, Campuchia và khối tư nhân tham gia đăng ký. Hiệp hội cũng tiến hành đăng ký bảo hộ thương hiệu ở các thị trường quan trọng, nghiên cứu và đề xuất các chính sách hỗ trợ để tăng cường uy tín và chất lượng thương hiệu cao su Việt Nam.
Ngoài ra, việc hợp tác với các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước được thúc đẩy để thực hiện các dự án nghiên cứu và phát triển bền vững hỗ trợ hội viên và ngành cao su. Hiệp hội cũng khuyến khích hội viên và doanh nghiệp ngành cao su áp dụng quản lý tiên tiến, tuân thủ chuẩn quốc tế và ứng dụng công nghiệp 4.0.
Theo đó, nhà nước đã chỉ đạo ngành cao su phải được thực hiện thống nhất về quản lý chất lượng trên phạm vi toàn quốc, tăng cường áp dụng kỹ thuật tiến bộ. Các doanh nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ nhằm tối ưu hoá hiệu suất sản xuất một cách toàn diện từ khâu canh tác, khai thác mủ cao su, quản lý tài nguyên và khâu sản xuất.
Nhìn chung ngành cao su Việt Nam dù gặp khó khăn nhưng vẫn là điểm sáng đối với thị trường quốc tế. Việt Nam cũng đang hưởng lợi từ việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất cao su từ các nước khác sang Việt Nam do chi phí lao động rẻ hơn, chi phí sản xuất thấp hơn và chất lượng sản phẩm được nâng cao.
Để cạnh tranh với một số nơi như Thái Lan, Indonesia và Malaysia, những thị trường đã có kinh nghiệm lâu năm trong sản xuất và tiêu thụ cao su, có quy mô sản xuất lớn hơn và đầu tư nhiều hơn vào công nghệ và nghiên cứu phát triển, Việt Nam cần tính đến chiến lược toàn diện và đường dài hơn, tập trung vào trụ cột bền vững và thương hiệu.
Các chính sách và giải pháp có vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành cao su Việt Nam. Trong đó, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và sản xuất, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đa dạng hóa sản phẩm cao su là các yếu tố cần thiết để ngành cao su Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước xuất khẩu cao su khác.
Nguồn: baochinhphu.vn | congthuong.vn | tapchicongthuong.vn | vietnamplus.vn | haiquanonline.com.vn | nhandan.vn | nhipsongkinhdoanh.vn | vtv.vn