Thích ứng với xu hướng công nghệ để tạo sức bật cho ngành cao su Việt Nam

  21/06/2023

Khối lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 492 nghìn tấn trong 4 tháng đầu năm 2023, với giá trị xuất khẩu đạt 685 triệu USD. Khối lượng xuất khẩu tăng 1,4% nhưng giá trị giảm 20,1% so với năm 2022. Có thể nhận thấy việc đầu tư nâng cao chất lượng cao su, giảm chi phí, tăng giá trị là điều cần được hướng tới trong giai đoạn này. 

Ngành cao su Việt Nam từng bước nghiên cứu, áp dụng các thành tựu công nghệ 

Viện nghiên cứu cao su Việt Nam RRIV trong nhiều năm qua đã có nhiều đề tài về các loại thuốc và dinh dưỡng cho cây cao su, chọn giống, chế độ trồng và chăm sóc. Có thể kể đến như: nghiên cứu thuốc chứa hoạt chất glufosinate ammonium, chẩn đoán dinh dưỡng theo vùng, nghiên cứu hoạt chất thay thế carbendazim trong phòng trị bệnh hại cây cao su,… cùng hàng loạt các giống cây cao su được cho ra đời. 

Ngoài các công nghệ chế biến mủ cao su đã có, các giải pháp công nghệ còn được chính các công ty, doanh nghiệp nghiên cứu và triển khai áp dụng vào sản xuất. Có thể kể đến như: phương pháp bảo quản mủ ly tâm bằng DeBiO-25 của công ty Công ty TNHH nghiên cứu và chuyển giao công nghệ Scientech, xí nghiệp Cơ khí chế biến 30/4 với sáng chế sử dụng chế phẩm tamin sản xuất mủ skim block, “Giải pháp công nghệ xử lý nước thải cao su thiên nhiên bằng phương pháp sinh học không sử dụng hóa chất và tái sử dụng nước thải cho sản xuất” của nhóm tác giả Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng, khai thác mủ cao su bằng phương pháp ép khí ethylene tại huyện Bù Đăng,… 

Trang mạng “Chẩn đoán dịch hại trên cây cao su” đã được xây dựng giúp chuyên viên nghiên cứu, cán bộ kỹ thuật, nông dân tham khảo hoặc chẩn đoán nhanh các loại dịch hại phổ biến trên cây cao su. Trang cập nhật thông tin trực tuyến về dịch hại mới, dự báo tình hình dịch hại trên cây cao su, đồng thời thiết lập và duy trì cơ sở dữ liệu khoa học trực tuyến. 

Hội thảo khởi động Pha II của Dự án “Đổi mới khoa học và công nghệ cao su thiên nhiên vì chu trình carbon toàn cầu (INBERBON Project)” vào ngày 6/3/2023 tại Hà Nội đã thể hiện sự quyết tâm trong việc phát triển dây chuyền công nghệ sản xuất cao su thiên nhiên gắn liền với trách nhiệm môi trường toàn cầu.   

Thế giới đang ứng dụng những công nghệ nào 

  • Việc trồng và quản lý vườn cây cao su ở Trung Quốc đang được đẩy mạnh cơ giới hóa như: dao cạo mủ không mài, máy cạo mủ cao su bán tự động và máy khai thác cao su tự động thông minh,… 
  • Một trong những tiến bộ mới nhất trong công nghệ cao su là việc sử dụng vật liệu nano, phát triển vật liệu cao su hỗn hợp nano giúp cải thiện khả năng chống mài mòn, hay như sự kết hợp của đất sét nano vào các hợp chất cao su. 
  • Một lĩnh vực nghiên cứu khác trong công nghệ cao su là phát triển vật liệu cao su bền vững và thân thiện với môi trường, chẳng hạn như rễ b công anh và cúc cao su guayule. Hay như việc sử dụng vi sóng để xử lý cao su, có thể làm giảm mức tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải từ các phương pháp xử lý truyền thống. 
  • Một số loại cao su mới được các nhà nghiên cứu tạo ra như cao su có thể được sử dụng trong các thiết bị y tế, cao su thông minh có khả năng “chữa lành” khi bị rách, các “chất đánh dấu vô hình” có thể giúp theo dõi nguồn gốc của cao su tự nhiên,… 

Doanh nghiệp Việt Nam cần linh hoạt thích ứng với xu hướng công nghệ sắp tới 

Mặc dù là nơi sản xuất cao su thiên nhiên đứng top 5 thế giới, nhưng Việt Nam vẫn phải nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu này để sản xuất do các đặc thù về tiêu chuẩn. Việt Nam có lợi thế rất lớn về cao su thiên nhiên, nhưng đối với cao su kỹ thuật thì lại phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu. Do đó, tập trung phát triển công nghệ chế biến cao su sẽ tận dụng nguồn nguyên liệu thô giá rẻ trong nước, đồng thời gia tăng được giá trị cho cao su xuất khẩu. Khi tạo ra được nguồn nguyên liệu chuẩn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, một thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng sẽ mở ra. 

  • Công nghệ gen sinh học: Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, diện tích trồng cao su lớn, ứng dụng công nghệ gen sinh học để cải thiện chất lượng cây trồng sẽ mang lại hiệu quả vô cùng to lớn về sản lượng và chất lượng. Với hạng mục này, các doanh nghiệp có thể chủ động hợp tác với các viện nghiên cứu cây trồng để tạo ra giống cây phù hợp nhất với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng từng vùng đem lại hiệu quả cao. 
  • Công nghệ thông minh: cơ sở dữ liệu lớn cùng IoT không chỉ áp dụng trong việc quản lý của từng doanh nghiệp, đó có thể là cơ hội kết nối mạng lưới doanh nghiệp trong ngành. Liên kết hợp tác sẽ đem đến nhiều tiềm năng tạo ra chuỗi phát triển, một quy trình sản xuất xuyên suốt tạo ra sản phẩm chất lượng với chi phí thấp nhất. 
  • Xanh hoá trong quá trình sản xuất: Giá thành sản phẩm của lĩnh vực sản xuất cao su có 20-30% là chi phí điện năng. Để tối ưu chi phí, đi cùng với xu hướng về năng lượng sạch và tiết kiệm, việc đầu tư các hệ thống điện năng lượng mặt trời, hệ thống thu giữ và tái sử dụng nhiệt,… sẽ là một lựa chọn đúng đắn trong thời gian tới. 

Bằng việc sẵn sàng thích ứng và nâng cao với những cải tiến của công nghệ, ngành cao su Việt Nam có thể tận dụng các nguồn lực trong nước, nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường toàn cầu. 

Nguồn: haiquanonline.com.vn | vista.gov.vn | rriv.org.vn | vra.com.vn | baobinhphuoc.com.vn | nongnghiep.vn | danviet.vn | tailieumoitruong.org | evn.com.vn | waynerubber.com | ibtinc.com | theindustryoutlook.com

×

FanPage

Plastics & Rubber Hanoi